Xét nghiệm DNA của Human Papillomavirus (HPV) đã được chứng minh là hiệu quả hơn so với các phương pháp sàng lọc thường được sử dụng hiện nay nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, nguyên nhân chính gây tử vong ở phụ nữ trên toàn thế giới. “WHO guideline for screening and treatment of cervical pre-cancer lesions for cervical cancer prevention” đã khuyến cáo sử dụng xét nghiệm HPV DNA như một phương pháp sàng lọc nên ưu tiên lựa chọn đầu tiên.
Vào năm 2020, hơn 600 000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới và khoảng 342 000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Tại Khu vực Châu Âu, 30 000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung mỗi năm.
“Những ca tử vong này có thể tránh được. Nhờ sàng lọc và sử dụng các xét nghiệm HPV DNA, ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. WHO đã đổi mới các khuyến nghị về sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung, làm rõ rằng các xét nghiệm HPV DNA hiệu quả hơn các xét nghiệm dựa trên tế bào học, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình” Tiến sĩ Marilys Corbex, Quản lý kỹ thuật cấp cao về các bệnh không lây nhiễm, WHO/Châu Âu cho biết.
Phát hiện virus gây ung thư
Human Papillomavirus là virus chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung. HPV là một nhóm virus rất phổ biến, gây nên các triệu chứng khó phát hiện, ảnh hưởng đến các tế bào da ở miệng, cổ họng hoặc vùng sinh dục.
Trong đó, 2 chủng HPV nguy cơ cao (16 và 18) gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung, nhưng vẫn có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV cho các bé gái trên toàn quốc, WHO khuyến nghị các quốc gia nên đảm bảo xét nghiệm HPV DNA thường xuyên để xác định những phụ nữ có hoặc có nguy cơ mắc tiền ung thư cổ tử cung.
Các xét nghiệm HPV DNA có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung so với các phương pháp thông thường được sử dụng ở Khu vực Châu Âu, dựa trên tế bào học (thường được gọi là “Pap smear”). Xét nghiệm DNA HPV có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất giúp xác định chính xác sự hiện diện của virus HPV, không giống như các xét nghiệm dựa trên kiểm tra trực quan, xét nghiệm HPV-DNA là một chẩn đoán khách quan.
Khuyến nghị của WHO cho các nhóm dân cư khác nhau
Hướng dẫn mới phòng ngừa ung thư cổ tử cung của WHO đã thay thế hướng dẫn trước đó được công bố vào năm 2013. Hướng dẫn này có tổng cộng 7 tuyên bố thực hành tốt và 23 khuyến nghị, một số khuyến nghị trong số đó là khác nhau đối với hai nhóm đối tượng là phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV.
Tóm lại có 2 thay đổi lớn:
- Đối với phụ nữ nói chung, xét nghiệm HPV-DNA được khuyến nghị là phương pháp sàng lọc chính – bắt đầu từ 30 tuổi, với xét nghiệm định kỳ 5 – 10 năm một lần.
- Đối với phụ nữ nhiễm HIV, WHO khuyến cáo nên xét nghiệm HPV-DNA bắt đầu từ 25 tuổi, với việc kiểm tra định kỳ 3 – 5 năm một lần.
Loại bỏ căn bệnh ung thư đe dọa tính mạng
“Xét nghiệm HPV-DNA là công cụ tương đối mới và một số quốc gia chỉ mới bắt đầu triển khai chúng như một phần của hệ thống sàng lọc ung thư cổ tử cung của họ. WHO khuyến khích và hỗ trợ những thay đổi này,” Tiến sĩ Corbex cho biết. “Ngoài ra, các xét nghiệm DNA giúp thiết kế lại các chương trình sàng lọc để cải thiện chất lượng của chúng, điều cần thiết trên con đường loại bỏ ung thư như một căn bệnh đe dọa tính mạng ở Khu vực Châu Âu của WHO và hơn thế nữa.”
“Sàng lọc không chỉ là xét nghiệm mà còn là tất cả những gì sẽ diễn ra sau đó trong trường hợp người phụ nữ được xét nghiệm dương tính với ung thư cổ tử cung. Nếu quá trình chẩn đoán và điều trị tiếp theo không được tổ chức hoàn hảo và không được thực hiện với tiêu chuẩn chất lượng cao, thì các phương pháp xét nghiệm tiên tiến có thể bị coi là vô dụng,” Tiến sĩ Corbex nói thêm.
Ở các quốc gia có chương trình sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung dựa trên tế bào học hiệu quả, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm 5 lần trong 50 năm qua. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã không thành công ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các xét nghiệm sàng lọc dựa trên DNA của HPV tiết kiệm chi phí hơn và phù hợp với mọi môi trường, khu vực và quốc gia. Điều này phù hợp với Chương trình làm việc Châu Âu của WHO từ 2020 đến 2025, dựa trên ý tưởng rằng sức khỏe là giá trị chung và không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Năm 2020, WHO đã đưa ra Chiến lược toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc loại bỏ ung thư cổ tử cung. Các mục tiêu của chiến lược đến năm 2030 là:
- Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV cho 90% bé gái đủ điều kiện;
- Sàng lọc 70% phụ nữ đủ điều kiện ít nhất hai lần trong đời;
- Điều trị hiệu quả 90% những người có xét nghiệm sàng lọc dương tính hoặc tổn thương cổ tử cung, bao gồm cả chăm sóc giảm nhẹ khi cần thiết.
Bài viết dịch từ: WHO recommends DNA testing as a first-choice screening method for cervical cancer prevention